TOP 5 KỸ NĂNG MỀM DÀNH CHO NHÀ QUẢN LÝ NHÂN SỰ 

Kỹ năng chuyên môn có thể là những gì bạn đã biết và rèn luyện, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Để trở thành một nhà quản lý thành công, bạn cần phải thông thạo những kỹ năng mềm dành cho nhà quản lý. Đôi khi, những kỹ năng mềm sẽ giúp bạn phát triển kinh nghiệm suốt đời; mặt khác dù bạn có tài năng thiên bẩm nhưng bạn vẫn phải trau dồi những kỹ năng này thường xuyên để cải thiện những cơ hội dẫn đến thành công ở vị trí một nhà quản lý.

Kỹ năng tổ chức công việc

Tổ chức công việc hay phân công công việc là kỹ năng thiết yếu mà những nhà quản lý dù ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có, đặc biệt là nhà quản lý nhân sự. Lượng công việc dành cho cấp bậc quản lý nhân sự rất nhiều từ tuyển dụng, phỏng vấn, đào tạo, quan hệ nhân viên, đánh giá và lập kế hoạch,... Chính vì vậy, kỹ năng tổ chức công việc tốt sẽ đảm bảo được các công việc luôn được hoàn thành một cách có hiệu quả. Ngoài ra, một người quản lý tài giỏi cần biết sắp xếp, phân chia công việc cho nhân viên dựa vào năng lực và thế mạnh của nhân viên đó. 

Kỹ năng giao tiếp

Một kỹ năng không thể thiếu cho người làm việc trong ngành Nhân sự chính là giao tiếp. Bộ phận Nhân sự trong công ty phải giao tiếp với mọi cấp bậc trong doanh nghiệp. Không chỉ bằng lời nói, mà bạn cần phải giao tiếp hiệu quả với mọi người bằng cả hình thức văn bản: email, văn bản hành chính,...

Ngoài các yếu tố như ngôn từ, ngữ điệu và ngôn ngữ cơ thể, thì lắng nghe và thấu hiểu cũng là yếu tố cần thiết để cải thiện kỹ năng giao tiếp. Quá trình lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của nhân viên là cách nhanh chóng, hữu hiệu để xây dựng mối quan hệ, sự tin tưởng của nhân viên đối với bộ phận Nhân sự trong công ty. Qua đó, nhà quản lý không chỉ có những giải pháp phù hợp mà có thể động viên, nâng cao tinh thần, cải thiện năng suất của người lao động. 

Kỹ năng đọc vị tâm lý

Đây chính là kỹ năng sẽ giúp các nhà quản lý nhân sự thấu hiểu nhân viên của mình, thực hiện tốt nhiệm vụ là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động. Nắm bắt tâm lý người khác tốt còn giúp người làm nhân sự nhận biết và đánh giá tiềm năng của ứng viên, cải thiện độ hiệu quả và chính xác trong quá trình phỏng vấn. Vận dụng tốt kỹ năng này trong quá trình quản lý nhân sự, còn giảm thiểu được tỷ lệ “nhảy việc” của nhân viên, vì nhân viên của bạn sẽ luôn cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe và bảo vệ trong chính doanh nghiệp của mình.   

Kỹ năng quản trị xung đột

Các xung đột trong doanh nghiệp luôn tiềm ẩn những hậu quả khôn lường nếu không được giải quyết. Các nhà lãnh đạo, đặc biệt là người quản lý nhân sự cần có kỹ năng quản trị, giải quyết xung đột để có thể đảm bảo được môi trường làm việc tích cực, gắn kết nhân viên với nhau, từ đó duy trì năng suất cho doanh nghiệp. 

Để có thể giải quyết xung đột, trước hết người làm quản lý phải giữ được “cái đầu lạnh và trái tim nóng”, tìm hiểu nguồn gốc xung đột, lắng nghe từ mọi phía, và sự công bằng phải được đặt lên trên hết. Đưa ra nhiều phương án giải quyết để các bên có thể chọn lựa, không gò bó hay ép buộc một ai. Bên cạnh đó, hãy biến những xung đột thành cơ hội để gắn kết nhân viên của mình.  

Kỹ năng thiết lập mục tiêu

Thiết lập mục tiêu cụ thể, có tính khả thi giúp bạn có thể quản lý được công việc, theo dõi tiến độ và nâng cao hiệu quả công việc tập thể. Ngoài ra, trau dồi tốt kỹ năng thiết lập mục tiêu còn giúp bạn có thể thúc đẩy năng suất, tạo động lực cho nhân viên của mình hoàn thành mục tiêu đề ra.

Zalo
Hotline
Go Top