THƯƠNG HIỆU TUYỂN DỤNG (Phần 2): 4 BƯỚC ĐỂ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU TUYỂN DỤNG

Lợi ích từ xây dựng thương hiệu tuyển dụng hiệu quả không chỉ là thu hút ứng viên, nâng cao chất lượng quá trình tuyển dụng mà nó còn mang lại trải nghiệm tốt cho nhân viên đang làm việc cho doanh nghiệp. Vậy các doanh nghiệp cần làm gì để có riêng cho mình một chiến lược xây dựng bài bản, mang hình ảnh tích cực của công ty đến với các ứng viên? 

Với 4 bước dưới đây, sẽ giúp doanh nghiệp bạn từng bước tiếp cận với chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng đạt hiệu quả cao:

Bước 1: Đánh giá thực trạng doanh nghiệp và xác định EVP

Để xây dựng thương hiệu tuyển dụng thành công, trước hết người làm nhân sự cần phải hiểu rất rõ về thực trạng của doanh nghiệp mình. Vì vậy, trước khi bắt tay vào bản kế hoạch chi tiết, việc đầu tiên cần làm chính là đánh giá thực trạng của doanh nghiệp mình. HR cần nhìn lại thực tế ở mọi mặt, từ văn hóa doanh nghiệp, đến môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ,...

 Thực trạng của doanh nghiệp sẽ được đánh giá một cách toàn diện và bao quát nhất, khi HR tận dụng cả hai nguồn lực: nội bộ và ngoài doanh nghiệp. 

  • Đối với nguồn nội bộ của doanh nghiệp, HR có thể đưa ra nhận xét thông qua:
    • Khảo sát ý kiến của nhân viên 
    • Cảm nhận từ nhân viên mới 
    • Thu thập ý kiến từ các nhân viên nghỉ việc
  • Đối với nguồn ngoài doanh nghiệp có thể là:
    • Mở cuộc khảo sát diện rộng với người lao động
    • Phản hồi, đánh giá trên các kênh truyền thông (mạng xã hội,...)

Khi đã có cái nhìn rõ về doanh nghiệp, xác định EVP là bước tiếp theo để HR có thể tiếp cận được đúng đối tượng cũng như tạo sự khác biệt so với các doanh nghiệp khác. 

EVP (Employee Value Propositions) là khái niệm cơ bản trong Thương hiệu tuyển dụng, có thể được hiểu là các đặc trưng, lợi ích của doanh nghiệp nhằm khuyến khích ứng viên ứng tuyển hoặc tạo động lực gắn kết lâu dài cho nhân viên hiện tại.

Các ứng viên thường được thuyết phục bởi môi trường, văn hóa doanh nghiệp và các chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp. Các EVP chính là những yếu tố sẽ giúp doanh nghiệp hấp dẫn không chỉ ứng viên mà còn giữ chân nhân viên. 

Bước 2: Truyền thông

  • Quảng bá thương hiệu bằng hình ảnh:

Khả năng ghi nhớ của con người sẽ cao hơn khi tiếp xúc thông tin bằng hình ảnh. Hầu hết công chúng sẽ bị hấp dẫn bằng hình ảnh. Vì vậy, cách để quảng bá thương hiệu thường được các doanh nghiệp, tổ chức lớn áp dụng hiệu quả. Sự xuất hiện trên các phương tiện truyền thông (báo chí, biển quảng cáo ngoài trời, fanpage,...) sẽ giúp doanh nghiệp bạn tiếp cận nhiều hơn với mọi người, tăng độ nhận diện của thương hiệu. Từ đó, có thể tạo nhận thức cho công chúng về doanh nghiệp của bạn. 

Hình ảnh để quảng bá cho doanh nghiệp phải là những hình ảnh thực tế về doanh nghiệp. Đó có thể là những bức ảnh chụp hoặc video về các hoạt động nội bộ của công ty, khoảnh khắc của nhân viên, sự kiện,... Truyền thông bằng các hình ảnh từ hoạt động thực tế giúp doanh nghiệp mang văn hóa công ty đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là các ứng viên.

  • Xây dựng trang tuyển dụng:

Thời đại 4.0 tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực, thay đổi hướng đi của mọi chiến lược. Thị trường tuyển dụng cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Một nghiên cứu cho thấy, dưới sự bùng nổ của mạng Internet, hơn 80% người lao động đang tìm kiếm cơ hội việc làm qua Internet,  và tỉ lệ này sẽ ngày càng tăng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng trang tuyển dụng chuyên nghiệp trên mạng Internet. 

Trang tuyển dụng là hình ảnh của một thương hiệu. Chính vì vậy, trang tuyển dụng cần phải được xây dựng mang tính chuyên nghiệp. Hình thức kết nối ứng viên với công ty trên Internet thường được hiển thị dưới dạng: Landing page tuyển dụng (một trang web được thiết kế riêng biệt để làm nổi bật dịch vụ, sản phẩm cụ thể của thương hiệu), Fanpage và sử dụng các trang web tìm việc làm để ứng viên có thể dễ dàng tìm kiếm. Đối với trang tuyển dụng riêng của công ty (website, mạng xã hội), dù HR làm mới mẻ nội dung hay thiết kế thu hút, thì vẫn phải đảm bảo được các tiêu chí:

  • Tối ưu hóa trải nghiệm người dùng (giao diện dễ nhìn, dễ sử dụng và dễ tìm kiếm);
  • Tối giản quá trình đăng ký/ ứng tuyển;
  • Tương thích với giao diện của điện thoại di động;
  • Cập nhật liên tục;
  • Thể hiện hình ảnh và văn hóa doanh nghiệp của bạn. 

 

  • Nội bộ chia sẻ

Tận dụng nguồn nhân lực trong công ty bạn không chỉ truyền thông thương hiệu tuyển dụng hiệu quả, mà còn tiết kiệm chi phí, tạo sự tin tưởng cho ứng viên. Nhân viên có trải nghiệm làm việc tốt thì mới có thể sẵn sàng chia sẻ thông tin, tích cực giới thiệu ứng viên tốt cho công ty. Không có sự quảng bá nào đáng tin cậy hơn chính cảm nhận của người trong cuộc. Hãy khuyến khích nhân viên của mình chia sẻ cảm nhận khi làm việc tại công ty nhé, vừa giúp doanh nghiệp có thể cải thiện tốt hơn những điều còn thiếu sót, vừa có thể đưa văn hóa doanh nghiệp, hình ảnh thương hiệu đi rộng rãi hơn.

  • Tối ưu hóa trải nghiệm cho ứng viên

Một yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu tuyển dụng là trải nghiệm của ứng viên. Ứng viên là một trong những công chúng mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới khi xây dựng thương hiệu tuyển dụng. Do đó, tối ưu hóa trải nghiệm cho ứng viên giúp các doanh nghiệp có thể tìm kiếm và chinh phục các ứng viên tài năng và phù hợp. Có thể nâng cao trải nghiệm của ứng viên trong quá trình tiếp cận, tìm kiếm ứng viên, quá trình phỏng vấn và qua cách phản hồi với ứng viên bằng email.  

Bước 3: Xây dựng bản mô tả công việc cụ thể

Một trong những cách để tối ưu hóa trải nghiệm của ứng viên là xây dựng bản mô tả công việc (Job Description - JD) cụ thể. Bản mô tả công việc sẽ là điều ứng viên tiếp cận đầu tiên trong quá trình ứng tuyển. Đây cũng là một yếu tố thể hiện sự chuyên nghiệp của công ty. Nội dung của bản JD cần sáng tạo sẽ thu hút ứng viên. Ngoài ra, JD cũng cần rõ ràng, mạch lạc để ứng viên nắm bắt và dễ tiếp cận thông qua các từ khóa được tối ưu. Những thông tin về công việc cụ thể, vai trò của vị trí đó và phúc lợi, đãi ngộ là những điều mà ứng viên cần biết. Vì vậy, HR luôn phải đảm bảo JD bao gồm những yếu tố trên. 

Bước 4: Đánh giá và đo lường

Để biết được mức độ hiệu quả, đánh giá khách quan cho quá trình xây dựng thương hiệu tuyển dụng, chắc chắn người quản lý HR không thể bỏ qua việc đo lường và đánh giá. Tùy thuộc vào tiêu chí của mỗi doanh nghiệp sẽ có những chỉ số đánh giá khác nhau. Đây là một vài chỉ số quen thuộc mà các doanh nghiệp thường dùng để đánh giá sau quá trình xây dựng thương hiệu tuyển dụng: 

  • Số lượng ứng viên ứng tuyển trong thời gian dự kiến của doanh nghiệp
  • Thời gian tuyển dụng cho một vị trí
  • Tỷ lệ nhân viên mới gắn bó sau giai đoạn thử việc
  • Chất lượng của nhân viên mới
  • Mức độ gắn kết, hài lòng của nhân viên mới với công việc
  • Chi phí cho chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng
  • Độ tương tác trên các kênh truyền thông

Đã có rất nhiều doanh nghiệp mở rộng mục tiêu của chiến dịch xây dựng thương hiệu là thu hút các ứng viên. Các chuyên gia đánh giá các sự kiện về ngày hội việc làm, các buổi giao lưu tại trường học là những nơi mà doanh nghiệp có thể quảng bá hình ảnh của công ty đến nhiều ứng viên tiềm năng một cách hiệu quả. 

Kết

Thị trường tuyển dụng cạnh tranh cao, chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải tập trung, chú trọng vào chiến lược Employer brand nhiều hơn nữa. Qua đó, có thể thu hút nhân tài và lượng ứng viên tiềm năng để phát triển doanh nghiệp của mình. 

Zalo
Hotline
Go Top