Dịch vụ của chúng tôi chú trọng nguồn nhân sự cho quý doanh nghiệp
XU HƯỚNG QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP TRONG THẬP NIÊN 2020
Với sự thay đổi đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ trên toàn thế giới, ở mọi lĩnh vực, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp luôn “đau đầu” khi phải giải quyết bài toán “làm thế nào để thích nghi và tồn tại với những biến chuyển đó. Để có thể linh hoạt, thực tế, trước khi tìm ra giải pháp, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải “nhìn xa trông rộng”, ít nhất là 10 năm tới để dự đoán xu thế mới ở các lĩnh vực.
“Chúng ta luôn đánh giá quá cao những thay đổi sẽ diễn ra trong hai năm tiếp theo, nhưng lại đánh giá thấp những thay đổi sẽ xảy đến trong 10 năm tới.” – Bill Gates
Vậy đâu sẽ là xu hướng quản trị doanh nghiệp mà các nhà lãnh đạo cần chú ý tới trong thập niên 2020?
- Ứng dụng công nghệ – Trí tuệ nhân tạo AI lên ngôi
Xu hướng đầu tiên trong thời đại 4.0 hiện nay phải kể đến việc ứng dụng công nghệ vào khâu quản lý doanh nghiệp, đặc biệt hơn là sử dụng trí tuệ nhân tạo – AI (Artificial intelligence). Chỉ trong năm 2018, số lượng doanh nghiệp sử dụng AI đã tăng gấp ba so với những năm trước. Theo nghiên cứu của Mckinsey (Công ty tư vấn quản lý toàn cầu) cho thấy, trên thế giới có khoảng 37% các công ty đã và đang ứng dụng công nghệ AI dưới nhiều hình thức khác nhau. Tại Việt Nam, cũng đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp áp dụng AI vào việc nghiên cứu – kinh doanh để tạo ra những kết quả đáng kể. Vinpearl trở thành hệ thống khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt (Face Recognition) dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo hay. Một số bệnh viện đã áp dụng triển khai ứng dụng AI (hệ thống IBM Watson for Oncology – IBM WFO) để tư vấn hỗ trợ điều trị ung thư. Cũng theo kết quả nghiên cứu từ Mckinsey, dự tính đến năm 2030, 70% doanh nghiệp sẽ ứng dụng ít nhất một loại hình AI trong chăm sóc khách hàng, quy trình tuyển dụng, bảo mật,…
Ngày nay, với sự thay đổi nhanh chóng và công nghệ lên ngôi, những người đứng đầu doanh nghiệp cần phải linh hoạt, đổi mới trong phương thức làm việc, cấu trúc doanh nghiệp và cả nâng cao trình độ của nhân viên để không bị bỏ lại phía sau. CP Gurnani – CEO của Tech Mahindra cũng nhấn mạnh: “Sự thay đổi đang tới và AI chính là công nghệ dẫn dắt. Tuy vậy. chúng ta cần nhớ rằng, sau cùng, con người vẫn là người kiểm soát mọi sự.”
- Thành công từ trải nghiệm của nhân viên
Một công ty phát triển không chỉ nhờ vào tài lãnh đạo, cách thức kinh doanh mà còn dựa vào đội ngũ nhân viên. Khi thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh, để có thể vận hành tốt bộ máy của mình, các doanh nghiệp luôn phải tìm cách thu hút nhân tài và giữ chân nhân viên giỏi. Chính vì vậy, trải nghiệm của nhân viên là một trong những yếu tố mà người quản lý doanh nghiệp không thể bỏ qua. Theo báo cáo Xu hướng nhân lực 2019 của Deloitte, 84% những người tham gia khảo sát khẳng định trải nghiệm nhân viên là vấn đề quan trọng, trong đó, 28% cho rằng đây là “vấn đề bức thiết”.
Bên cạnh đó, việc thay đổi nhân khẩu học trong lực lượng lao động hiện tại và tương lai, thế hệ Z trở thành một trong những lực lượng lao động chính, sẽ khiến cho trải nghiệm của nhân viên tại công ty quan trọng hơn bao giờ hết. “Thế hệ Z tìm kiếm những người lãnh đạo đáng tin cậy, ủng hộ mọi nhu cầu của họ và thể hiện sự quan tâm của họ trên cương vị người với người, chứ không chỉ cấp trên và nhân viên,” Dan Schawel, giám đốc nghiên cứu Future of Workplace cho biết.
Sự gắn bó của nhân viên sẽ mang đến thành công của công ty. Củng cố trải nghiệm của nhân viên từ giai đoạn tiếp cận với ứng viên, đến quá trình làm việc tại doanh nghiệp: thiết kế không gian làm việc, chính sách phúc lợi, hoạt động nội bộ đến tinh thần và sức khỏe nhân viên.
- Đơn giản hóa bộ máy cồng kềnh
Xu hướng đơn giản dần được ưa chuộng trong nhịp sống hiện đại. Đơn giản tác động lên nhiều lĩnh vực: từ phong cách sống, thiết kế,… đến cả quản trị, kinh doanh. Chính vì vậy, cách thức quản trị doanh nghiệp dần dần được tối ưu với cấu trúc vận hành ngày càng được tinh giản, nhưng vẫn đem lại năng suất cao. Vai trò của những người đứng đầu vận hành bộ máy tổ chức trở nên đặc biệt hơn. Không chỉ dừng lại ở khâu quản lý, tối ưu hóa các hoạt động, chi phí vận hành mà họ sẽ cần kết hợp chặt chẽ với các bộ phận khác, phòng ban chuyên sâu để có thể đưa ra những quyết định chính xác trong quá trình điều hành.
Việc cải tiến, tinh giản những cấu trúc làm việc cồng kềnh, tiếp cận mô hình quản lý hiện đại là điều mà các nhà quản trị cần phải làm để có thể cải thiện, tăng hiệu quả cho doanh nghiệp của mình trong thời buổi hiện đại.
- Đo lường, đánh giá hiệu suất trên số liệu
Dữ liệu về hiệu suất của nhân viên chứa những thông tin cần thiết để các nhà quản trị có cái nhìn cụ thể và thực hiện các thay đổi trong chiến lược. Tuy nhiên, lại có rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận rằng không có công cụ phù hợp để đánh giá, phân tích các dữ liệu này, do đó dễ dẫn tới sai lệch trong kết quả đánh giá. Việc đánh giá, đo lường hiệu suất dựa vào số liệu còn loại bỏ được những góc nhìn chủ quan và định kiến từ cấp quản lý. Chính vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng phần mềm cộng tác, quản lý công việc để thúc đẩy việc tăng năng suất cho nhân viên, ngoài ra phát triển công ty tốt hơn.
Ngoài những xu hướng trên, thì CSR (Corporate social responsibility) tạm hiểu là “Trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp” cũng rất được coi trọng và dần trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp ở Việt Nam. CSR thường gắn liền với mục tiêu của công ty và được lồng ghép vào chiến lược của doanh nghiệp, tổ chức.
“Thành công của doanh nghiệp không chỉ đong đếm bằng lợi nhuận”
Vào đầu năm 2020, khi Deloitte (một trong những tổ chức “Big Four” kế toán và mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất trên thế giới) thực hiện khảo sát với gần 10.000 CEO về thước đo quan trọng nhất về thành công của một doanh nghiệp, có tới 34% người tham gia khảo sát đồng tình với ý kiến “tác động tới xã hội”. Đây cũng là ý kiến được nhiều người đồng ý nhất, theo sau đó mới là sự hài lòng của khách hàng (18%) và kết quả tài chính của doanh nghiệp (17%).
Trong thời gian tới, các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải đan cài mục tiêu và sứ mệnh của tổ chức vào các hoạt động của công ty. Những người trẻ thuộc thế hệ millennials (thế hệ sinh từ năm 1980 tới 1996) – thế hệ lao động chủ lực hiện tại tin rằng “thành công của công ty không chỉ nên đong đếm bằng lợi nhuận.”