Dịch vụ của chúng tôi chú trọng nguồn nhân sự cho quý doanh nghiệp
LÀM SAO ĐỂ CẢI THIỆN EQ CHO CHÍNH MÌNH?
Khác với chỉ số IQ thường được quy định bẩm sinh, EQ là một kỹ năng có thể luyện tập để nâng cao mỗi ngày. Trí tuệ cảm xúc có thể được cải thiện đến 40% dựa trên trải nghiệm sống. Và các nhà tâm lý học nghiên cứu trí tuệ xúc cảm đôi khi cho rằng chỉ số EQ thực tế còn quan trọng hơn cả chỉ số thông minh.
Vậy có thể cải thiện chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ như thế nào?
Nhận thức bản thân
Để cải thiện trí tuệ cảm xúc EQ cho chính mình, điều đầu tiên bạn cần để ý tới đó chính là cảm xúc và các vấn đề của bản thân. Bạn cần thường xuyên nhận diện và gọi tên được các cảm xúc và cảm giác của mình khi trong một tình huống nào đó. Bạn sẽ hiểu được điều gì có thể tác động đến bạn và lý giải tại sao bạn lại có cảm xúc và cảm giác đó.
- Bạn đang làm những gì? – Đó là một trong những câu hỏi bạn cần trả lời trong quá trình nhận thức về cảm xúc của bản thân. Đôi khi trong những tình huống đột xuất, bất ngờ, bạn thường hành động một cách bộc phát mà không kịp suy nghĩ kỹ càng. Ngoài ra, sẽ có những khoảng thời gian mà bạn cần sống chậm lại so với nhịp sống bên ngoài, để nhận thức lại bản thân đang cần gì nhất để có thể cân bằng cuộc sống và giữ tinh thần tích cực.
- Bạn cảm thấy ra sao? – Không thể nào bỏ qua câu hỏi này khi bạn đang cố gắng tìm hiểu bản thân mình. Những cảm giác khác lạ, hay cảm xúc thường ngày diễn ra đôi khi bị bạn bỏ quên, không hề để ý đến. Khi bạn trả lời được 2 câu hỏi này và gọi đúng tên những cảm xúc, cảm giác của bạn, bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho việc giải tỏa cảm xúc và nâng cao khả năng nhận thức cảm xúc của người khác.
- Vấn đề cảm xúc của bạn là gì? – Câu hỏi cuối cùng bạn cần trả lời chính là những điểm mạnh và điểm yếu của bạn trong cảm xúc. Bạn là người dễ tức giận, hay là người dễ cảm động chỉ với chuyện nhỏ nhặt, hay bạn là người kiên nhẫn? Và điều gì là khiến bạn dễ dàng xảy ra cảm xúc đó? Tất cả những vấn đề, điểm mạnh hay điểm yếu trong cảm xúc của bản thân, bạn là người cần hiểu rõ hơn ai hết.
Nhận thức bản thân chính là cách tốt nhất để bạn tìm ra giải pháp cải thiện EQ tốt hơn.
Học cách kiểm soát chính mình
Những người sở hữu trí tuệ EQ cao có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn những người khác. Sau khi đã nhận thức được cảm xúc và vấn đề, bạn cần học cách điều khiển và kiểm soát cảm xúc của mình cho phù hợp hơn. Khi bạn đang trải qua cường độ cảm xúc mạnh, nếu không biết cách kiểm soát và điều hướng cảm xúc của mình, bạn có thể gây ra những tổn thương cho người khác, và lời nói, hành động hơi quá chừng mực, để lại chuyện không hay cho bản thân.
Để tránh ra các nhận định và quyết định thiếu chính xác, bạn cần tịnh tâm, xác định nguyên nhân gây ra cảm xúc đó, sau đó bình tĩnh, xoa dịu và kiểm soát cảm xúc của mình trước khi nói hay hành động. Luyện tập điều này thường xuyên sẽ tạo cho bạn thói quen suy nghĩ kỹ trước khi hành động.
Có một vài cách bạn có thể thử để tạo thói quen suy nghĩ và điều khiển cảm xúc của mình trong cuộc sống: giải tỏa căng thẳng công việc bằng những sở thích yêu bản thân lành mạnh, chấp nhận và giữ bình tĩnh trong mọi tình huống,…
Sự đồng cảm
Không thể thiếu sự thấu cảm với người khác trong chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ. Để nâng cao chỉ số trí tuệ cảm xúc này, bạn cần học cách đồng cảm với người khác. Đồng cảm không chỉ là cách bạn cảm nhận người khác, mà còn là cách bạn phản ứng với những cảm xúc của người đó.
Sự đồng cảm giúp bạn lý giải được hành động của người khác. Hãy bắt đầu học sự thấu cảm với người khác bằng việc nhìn nhận mọi thứ theo quan điểm của người khác mà không dựa trên quan điểm chủ quan của bạn. Đây là khởi đầu tốt để tìm ra điểm chung giữa người và mình. Lắng nghe và công nhận người khác cũng là những yếu tố quan trọng. Bạn sẽ không thể đồng cảm nếu bạn không lắng nghe những gì họ nói, hiểu những gì họ trải qua và công nhận công sức, tôn trọng cảm xúc, cảm giác của họ.
Tạo ra động lực nội tại
Động lực nội tại là yếu tố để nâng cao chỉ số EQ. Những người sở hữu EQ cao, họ có năng suất làm việc cao hơn người bình thường vì họ luôn tìm ra những động lực mạnh mẽ, thúc đẩy họ nỗ lực để đạt được điều mong muốn. Những yếu tố bên ngoài để thúc đẩy bạn làm việc như cơm áo gạo tiền, lương bổng, tiền thưởng hay danh tiếng,… sẽ có lúc khiến bạn mệt mỏi và phản tác dụng. Chỉ có những yếu tố từ bên trong mới là những yếu tố kích thích bền vững để bạn theo đuổi mục tiêu và thực hiện công việc của mình. Động lực nội tại chính là những thứ mà bạn yêu thích, đam mê và bạn sẽ thỏa mãn khi đạt được.
Làm sao để tìm kiếm động lực nội tại cho bản thân?
- Hãy tập trung vào điều mình thích: Đối với công việc hằng ngày của bạn, sẽ có những khía cạnh khiến bạn thích thú và buồn chán. Hãy tập trung vào những điều khiến bạn thích thú trong công việc để tạo động lực cho mình.
- Đối diện với vấn đề bằng cảm xúc tích cực: Không thể phủ nhận rằng, những người có tinh thần tích cực luôn thu hút người khác. Nếu bạn đối diện với những vấn đề trong cuộc sống bằng sự lạc quan, vui vẻ thì bạn sẽ luôn thấy con đường phía trước rộng mở, bạn luôn hứng thú và sẵn sàng khi thực hiện đam mê và theo đuổi mục tiêu của mình.
Nâng cao kỹ năng xã hội
Những mâu thuẫn là điều không ai muốn, nhưng bạn không thể tránh nó mãi mãi. Khi bạn xảy ra mâu thuẫn hay những tranh cãi trong cuộc sống hoặc ở chốn công sở, bạn cần tập trung vào việc giải quyết vấn đề như thế nào, cốt lõi vấn đề và điều mà đôi bên mong muốn để tránh đẩy mâu thuẫn lên cao nhất. Đây là lúc bạn vận dụng sự kết hợp trí tuệ cảm xúc trong kỹ năng xã hội của mình.
Kỹ năng xã hội hay còn được gọi là kỹ năng mềm sẽ giúp bạn linh hoạt trong cách thể hiện hành động và lời nói. Đây là khả năng kết hợp kỹ năng giao tiếp như lắng nghe, ngôn ngữ cơ thể và quản lý cảm xúc để giải quyết tình huống và xây dựng, duy trì mối quan hệ. Chính vì vậy, nâng cao các kỹ năng xã hội là cách cải thiện EQ hiệu quả hơn nhiều.