STARTUP VÀ SME: ĐÂU LÀ SỰ KHÁC BIỆT?

Trong xu thế phát triển thị trường gần đây, startup hay công ty startup là những cụm từ rất quen thuộc. Cùng với khái niệm SME, startup cũng được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Song, vẫn còn rất nhiều người vẫn chưa hiểu rõ hai khái niệm này, dẫn đến sự lầm tưởng là startup và SME giống nhau. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây để có thể phân biệt rõ sự khác nhau của startup và SME nhé.

Một chút về khái niệm:

Startup: “Startup là một doanh nghiệp mới thành lập, đáp ứng được nhu cầu của thị trường bằng cách tạo ra một sản phẩm, một dịch vụ hay một quy trình đổi mới sáng tạo, đồng thời có khả năng tăng trưởng nhanh vũ bão về quy mô”.

Thực tế, ngay cả trong tiếng anh, startup vẫn chưa có bất kỳ một định nghĩa nào được công nhận chính thức. Có khá nhiều định nghĩa về startup nhưng cách định nghĩa trên được mọi người sử dụng nhiều vì giúp cho mọi người dễ hiểu và hình dung nhất về mô hình này. 

SME: SMEs hay SME là viết tắt của cụm từ Small and Medium Enterprise khi được dịch sang tiếng Việt cụm từ này có nghĩa là Doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp SME được thành lập. Điều này không chỉ giải quyết các nhu cầu việc làm cho thị trường lao động mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh cân bằng và phát triển kinh tế xã hội.  

Sự khác biệt giữa Startup và SME?

Một startup có thể là một SME, nhưng một SME chưa chắc là một Startup.

1. Mục tiêu kinh doanh 

  • Đối với SME:

SME là những tổ chức đi theo mô hình kinh doanh đã sẵn có trên thị trường. Những tổ chức này tập trung vào tăng lợi nhuận bằng cách cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Nhóm đối tượng khách hàng của SME thường được tập trung hơn so với Startup và sản phẩm/ dịch vụ sẽ được cung cấp trong một khu vực địa lý cụ thể. 

Cách để các SME đạt được lợi nhuận và phát triển hơn chính là theo mô hình kinh doanh ổn định, triển khai đa dạng các chiến lược kinh doanh và hạn chế những tổn thất về tài chính nhất có thể, lấy tài chính kinh doanh làm sự phát triển của công ty. 

SME là những tổ chức có cấu trúc theo mô hình kinh doanh đã có sẵn trên thị trường. Họ tập trung hơn vào lợi nhuận bằng cách cung cấp giá trị cho khách hàng. Điều khả thi nhất để thành công là đảm bảo tính khả thi trong một thời gian dài, lấy tài chính kinh doanh làm sự phát triển của công ty.

  • Đối với Startup:

Một startup bắt đầu từ quy mô nhỏ nhưng tầm nhìn lại rộng. Khi những người sáng lập khởi nghiệp thành công thì họ có thể trở thành một công ty lớn, mang tính đột phá. Startup thành công sẽ tác động lớn đến thị trường hiện tại, và có khả năng sắp xếp lại ngành công nghiệp hiện có.  

So với mục tiêu của SME, thời gian đầu Startup không tập trung nhiều vào lợi nhuận. Phát triển sản phẩm mới là mục tiêu kinh doanh mà các Startup hướng tới. Sau khi vượt qua giai đoạn điều chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp, và sản phẩm/ dịch vụ đã có thể “chinh chiến” trên thị trường thì mục tiêu mới là tối đa hóa doanh thu và tối ưu hóa lợi nhuận. Và định hướng của các Startup cũng là xây dựng mô hình doanh nghiệp tiêu chuẩn và mở rộng phân khúc khách hàng không chỉ là trong nước mà còn ra nước ngoài. 

2. Xu hướng tuyển dụng

  • Đối với SME:

Các SME thường có xu hướng tuyển nhân viên nhiều để đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ công việc, cũng như nhu cầu về phát triển công ty. Ở các SME, các leaders (trưởng nhóm) và giám đốc sẽ không thường xuyên tuyển như các startup. 

  • Đối với startup:

Các startup thường tuyển dụng các leaders và những thành viên “cứng” ngay từ đầu vì họ cần một “bộ khung” vững chắc để doanh nghiệp phát triển càng nhanh càng tốt. Cho đến khi các sản phẩm hay dịch vụ đã bắt đầu giai đoạn “trưởng thành” và ra thị trường thì các startup mới tập trung tuyển nhân viên, giám đốc bộ phận nhiều hơn.   

3. Lợi thế cạnh tranh

  • Đối với SME:

Không cạnh tranh dựa vào sự đột phá và độc đáo như Startup, các SME phát triển theo chiều hướng tuyến tính, phải đảm bảo được lãi sau một thời gian ngắn. Do đó, các SME kinh doanh những gì mà nhu cầu thị trường đang có sẵn. 

  • Đối với startup:

Các startup có thể sẽ không có lãi trong thời gian đầu và sản phẩm hay dịch vụ kinh doanh cũng có thể không cần đáp ứng ngay nhu cầu hiện tại của thị trường. Bản thân startup, họ đang muốn tạo ra một thị trường mới từ những sản phẩm và dịch vụ của chính mình. Chính vì thế, cạnh tranh của startup chính là dựa vào sự đột phá mới mẻ, sáng tạo khác biệt trong thị trường. Và để làm được điều này thì sản phẩm/ dịch vụ của startup cần phải có tiềm năng tương lai.

4. Chủ sở hữu

  • Đối với SME:

Các SME thường là các công ty gia đình, ít huy động vốn từ bên ngoài. Họ sẽ tự bỏ vốn ra để vận hành và làm chủ doanh nghiệp của mình. 

  • Đối với startup:

Startup thường hay chia nhỏ các cổ phần cho nhiều nhà đầu tư khác nhau nhằm mục đích tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn, để tạo ra sự đột phá trong thị trường. 

5. Tốc độ tăng trưởng

  • Đối với SME: 

Với các dịch vụ/ sản phẩm đáp ứng nhu cầu hiện có tại thị trường, SME có thể sẽ có lợi nhuận ngay trong thời gian đầu. Nếu được đầu tư vốn nhiều lợi thì lợi nhuận sẽ có trong thời gian ngắn.

  • Đối với startup:

Vì sản phẩm và dịch vụ của các startup trong thời gian đầu chưa có nhiều người dùng sử dụng, nên thường sẽ xảy ra thua lỗ. Vì điều này, các nhà đầu tư cần rót vốn liên tục trong thời gian đầu. Tuy nhiên, khi thành công sẽ tăng trưởng mạnh mẽ theo cấp số nhân. 

Trên đây là 5 khác biệt giữa hai mô hình SME và startup. Hy vọng với kiến thức nhỏ mà Light Human mang lại sẽ giúp bạn không bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm này, có những cái nhìn đúng hơn về SME và startup.

 

Zalo
Hotline
Go Top