GEN Z - NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÁC BIỆT

Ở Việt Nam, thế hệ Z chiếm tỉ lệ 1/7 tổng dân số, tương đương hơn 14,4 triệu người. Giới trẻ thuộc thế hệ Z (hay còn gọi là đám mây iGen) từ khi sinh ra đã chịu ảnh hưởng sâu sắc “xã hội digital”. Chính vì vậy, phong cách sống và lối suy nghĩ của Gen Z có sự khác biệt hoàn toàn so với các thế hệ trước. Đây là thế hệ được dự đoán sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nhiều doanh nghiệp bởi tính cách, hành động và mong muốn đối với công việc của Gen Z.

Vậy “đứa trẻ hiện đại GEN Z” là ai?

Gen Z là thế hệ được sinh ra sau các Millennials. Những bạn trẻ thuộc thế hệ này sinh năm 1997 - 2010. Với các mốc sự kiện sau sẽ làm bạn hiểu hơn về thời đại mà Gen Z sinh ra và lớn lên: 

  • Năm 1996, Google ra đời.
  • Năm 1997, Internet du nhập vào Việt Nam 
  • Năm 2004, Facebook ra đời
  • Năm 2005, Youtube ra đời

Phần lớn các bạn Gen Z được tiếp xúc với Internet từ nhỏ nên các bạn trẻ thuộc thế hệ này được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới và tiếp cận được lượng thông tin khổng lồ. Sự cá tính của Gen Z là điều mà các doanh nghiệp luôn cảm thấy “khó hiểu”:    

  •  “Quy tắc là để phá vỡ” 

Theo nghiên cứu từ nền tảng Social Listening và Data Analytics của YouNet Media cho thấy, Gen Z là thế hệ thích phá cách, không làm theo những quy tắc đã có sẵn. Sinh ra trong thời kỳ kinh tế hội nhập, Gen Z được tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau. Thực tế, gen Z ở giai đoạn mở cửa này, thường bị phân vân giữa “cái cũ” - “cái mới”, “truyền thống” và “hiện đại”. Chính bản thân Gen Z sẽ quyết định con đường riêng của mình. Vì vậy, “những đứa trẻ hiện đại” này có xu hướng thể hiện bản thân mình và thách thức các giới hạn của những quan điểm sống cũ. 

  • Tham vọng được thử thách

Một điều đặc biệt ở Gen Z, họ sẽ nhanh chán bởi những công việc không có nhiều thử thách dành cho họ. Thế hệ này, luôn tìm kiếm môi trường mà các bạn có thể phát huy được hết khả năng và học hỏi thêm những điều mới từ công việc và đồng nghiệp của mình. Cũng chính vì điều này, nên chỉ mới gia nhập vào lực lượng lao động, Gen Z đã khiến các doanh nghiệp phải xem xét lại cách quản lý và đào tạo nhân sự để thu hút, hạn chế tình trạng nhảy việc của những công dân trẻ này. 

Thế hệ Z thích thử thách bản thân không chỉ để học hỏi mà điều này sẽ tạo ra cảm hứng làm việc cho Gen Z. Nếu thế hệ X làm việc đặt mục tiêu nuôi sống gia đình lên hàng đầu, thì thế hệ “đám mây iGen” lại mong muốn làm những công việc mà mình đam mê, phát triển thế mạnh của mình.  

  • Người tạo ra xu hướng

Điều này xuất phát từ cá tính của Gen Z. Với các thế hệ trước kia, thế hệ Y đã là sự mới mẻ, tuy nhiên vẫn có một số tương đồng nhất định trong tiêu dùng, lựa chọn nghề nghiệp và định hướng tương lai. Song, đến Gen Z, được xem là thế hệ trẻ sở hữu cá tính mạnh mẽ, cái tôi cao, do đó Gen Z không muốn mình mãi là người chạy theo xu hướng, mà có thể trở thành người tạo ra xu hướng. 

Có lẽ vì chính suy nghĩ trở thành người dẫn đầu trong xu hướng, Gen Z đã vô tình trở nên “kỳ quặc” trong mắt những thế hệ trước. Họ luôn tìm kiếm những điều mới mẻ, độc đáo ở mọi khía cạnh. Điều này có thể thấy rõ qua cách sử dụng các social media của thế hệ Z và việc các thương hiệu luôn đau đầu khi phải chiều lòng các khách hàng mục tiêu là Gen Z vì thế hệ này có sự quan tâm, nhạy bén và cởi mở đón nhận xu hướng mới.

  • Độc lập và sống thật với chính mình

Đám mây iGen được sống với công nghệ từ nhỏ, họ có thể tự tìm hiểu, khám phá mọi thứ chỉ với vài cú click chuột, và mọi thứ hiện ra trên chiếc smartphone hay máy tính bảng, laptop cá nhân,... Do đó, Gen Z có khả năng độc lập cao. Với thời đại của Gen Z được tiếp cận nhiều thông tin và đa dạng nền văn hóa khác nhau, nên tư tưởng của thế hệ này khá thoáng. Ảnh hưởng bởi tinh thần “Love yourself - Be yourself”, đây được coi là thế hệ sống cho chính mình nhiều nhất so với các thế hệ trước. Gen Z phụ thuộc vào cảm xúc cá nhân, không quan tâm nhiều đến những giá trị hay quan niệm cũ và biết rõ bản thân mình yêu, ghét điều gì. Và đặc biệt, họ không ngại ngần thể hiện và bày tỏ điều đó với mọi người xung quanh. 

Với cá tính “không ngại khác biệt” và tư duy độc lập như vậy, định hướng tương lai của bản thân sẽ do Gen Z quyết định. Họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi gia đình, nhà trường. Thực tế, hiện nay, đã có nhiều gia đình gồm những thế hệ trước và doanh nghiệp cảm thấy khó tiếp cận và nắm bắt được suy nghĩ của Gen Z.

Có lẽ, Snowflake (bông tuyết) sẽ là danh từ để miêu tả hay nhất về thế hệ này. Vì mỗi bông tuyết mang một hình dạng khác nhau, độc nhất, không trùng lặp nhưng lại dễ tan vỡ. Cũng giống như Gen Z, mỗi công dân trẻ thuộc thế hệ này là một màu sắc cá tính, họ luôn sẵn sàng thể hiện sự khác biệt. Nhưng cũng chính vì cái tôi cao, tiếp xúc với sự bùng nổ thông tin của thời đại 4.0, nên khiến cho những đứa trẻ Gen Z lại mong manh, dễ vỡ. 

Một chút ngông cuồng, cá tính, sáng tạo và dễ tan vỡ này, sẽ khiến những nhà quản lý doanh nghiệp cần phải nắm bắt, tìm hiểu về mong muốn của nhân sự thuộc thế hệ này để có thể điều chỉnh, cập nhật xu hướng đào tạo và phát triển nhân lực. Qua đó, doanh nghiệp có thể phát triển hơn và đứng vững trong thị trường. Nếu nhà quản lý không thể nắm bắt được sự thay đổi trong nhân lực này, doanh nghiệp sẽ dễ dàng bị bỏ lại phía sau vì thị trường và xu hướng nguồn nhân lực sẽ luôn biến động theo thời gian.

 

Zalo
Hotline
Go Top