GAMIFICATION - XU HƯỚNG ĐÁNG CHÚ Ý CHO DOANH NGHIỆP

Gamification đã dần trở nên quen thuộc với nhiều lĩnh vực như marketing, thiết kế sản phẩm (product design), phát triển sản phẩm (software product design),... để tăng sự kết nối giữa người tiêu dùng và thương hiệu, sản phẩm. Và thậm chí gần đây trong quản lý doanh nghiệp, Gamification cũng được áp dụng để tăng năng suất và phát triển nhân viên. 

VẬY THUẬT NGỮ GAMIFICATION LÀ GÌ?

Gamification tạm dịch là “game hóa”, cụ thể Gamification gắn các tính chất, yếu tố được thiết kế trong trò chơi vào những lĩnh vực khác ngoài game để tăng tính hấp dẫn, kích thích tinh thần tham gia của người trải nghiệm. Nó sử dụng tính cạnh tranh, điểm, thành tích, luật chơi để khuyến khích các hành động tích cực của người tham gia. 

Phương pháp Gamification hướng đến cảm xúc của con người giúp người tham gia tăng sự phấn khích, và tương tác. Trên thế giới, đã có rất nhiều doanh nghiệp và thương hiệu vận dụng Gamification thành công trong chiến lược tăng sự gắn bó của khách hàng đối với thương hiệu và mức độ gắn kết của nhân viên với doanh nghiệp. Đối với thương hiệu The Coffee House tại Việt Nam: Đây là một trong những thương hiệu đồ uống đầu tiên tại Việt Nam thành công trong việc sử dụng ứng dụng của mình để tăng sự trung thành của khách hàng. Vận dụng phương pháp Gamification vào cách tích điểm cho khách hàng sau mỗi lần mua sản phẩm, The Coffee House đưa ra những quyền lợi, ưu đãi hấp dẫn dành cho các mức thành viên khác nhau như một phần thưởng cho việc tích điểm sử dụng sản phẩm của khách hàng. Điều này đã khiến The Coffee House thành công kích thích tiêu dùng của khách hàng mới, tăng mức độ trung thành của khách hàng thân thiết. Một số công ty như Cold Stone Creamery và United Parcel Service (UPS) từ nhiều năm nay đã sử dụng trò chơi điện tử trong những nhiệm vụ như đào tạo nhân viên. Các nhà quản lý đẩy mạnh việc ứng dụng các khía cạnh của trò chơi điện tử vào hoạt động tiếp thị, thiết kế sản phẩm và công việc hằng ngày, đồng thời giúp doanh nghiệp tăng cường mối gắn kết với nhân viên. Như Quân đội Hoa Kỳ đã thu hút các nguồn nhân lực tiềm năng bằng cách vận dụng Gamification trên các trang web như một công cụ tuyển dụng. Người dùng có thể chơi các trò chơi huấn luyện quân sự giúp tăng sự quan tâm khi gia nhập lực lượng vũ trang. 

GAMIFICATION VÀO EMPLOYEE ADVOCACY: TẠI SAO KHÔNG?

Theo nghiên cứu của Gartner, hiệu suất công việc của nhân viên được nâng cao đến 22% khi áp dụng Gamification vào Employee Advocacy. Cũng chính vì điều đó, theo Gartner, Gamification sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu khi các nhà quản lý muốn cải thiện môi trường làm việc, tăng mức độ hiệu quả của nhân viên. Cũng theo nghiên cứu này cho biết, mức độ gắn bó giữa nhân viên với doanh nghiệp được tăng đến 37%.

Các nhân viên khi được trải nghiệm Gamification sẽ được xây dựng trở thành “đại sứ thương hiệu” cho chính doanh nghiệp của họ. Văn hóa cạnh tranh lành mạnh trong doanh nghiệp cũng được xây dựng nhờ vào cách áp dụng Gamification khéo léo, nhờ vào đó, nhân viên có cơ hội phát triển bản thân và lan truyền năng lượng tích cực về hình ảnh doanh nghiệp trên các kênh mạng xã hội. Cơ chế Gamification mang lại những lợi ích trong quá trình xây dựng hình ảnh, văn hóa doanh nghiệp và đào tạo nhân sự, nuôi dưỡng tinh thần gắn bó của nhân viên.

Việc vận dụng phương pháp Gamification vào quản lý doanh nghiệp và đào tạo nhân sự còn nhiều hạn chế tại Việt Nam. Người chủ doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ văn hóa và định hướng của doanh nghiệp, áp dụng phương pháp “game hóa” này khéo léo để có thể thúc đẩy tinh thần tích cực, tạo động lực cho nhân viên trong môi trường làm việc.

Zalo
Hotline
Go Top