ĐỂ SINH VIÊN CÓ THỂ CÂN BẰNG GIỮA HỌC VÀ LÀM THÊM

Từ lâu, quan niệm “việc làm thêm cho sinh viên chỉ dành cho những bạn trẻ cần kiếm thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống và phụ giúp ba mẹ” đã không còn phù hợp. Với thế hệ sinh viên năng động, họ ưa thích sự khám phá những điều mới lạ, không ngại va chạm để có thể học hỏi và phát triển bản thân tốt hơn. Đi làm thêm chính là cách để các bạn có thể đặt mình vào môi trường thực tế, thử thách bản thân để hoàn thiện kỹ năng, học hỏi kiến thức từ kinh nghiệm thực tế.

Chủ động đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập, hỗ trợ cho kiến thức và kỹ năng là một điều rất tốt. Tuy nhiên, có nhiều bạn sinh viên lại không thể cân bằng thời gian cho cả hai việc. Phó mặc chuyện học, bỏ học đi làm, thiếu trách nhiệm trong công việc hay không dành đủ thời gian cho bản thân, dẫn đến stress,... là những tình trạng phổ biến khi sinh viên vừa đi học vừa đi làm.

Cân bằng giữa học và làm chưa bao giờ là dễ, nhất là trong xã hội ngày nay. Hãy cùng tham khảo 5 cách dưới đây để “học và làm” không thể làm khó bạn:

1. Xác định mức độ ưu tiên

Với mỗi giai đoạn khác nhau, mức độ ưu tiên trong cuộc sống của bạn sẽ khác nhau. Xác định mức độ ưu tiên khá quan trọng nếu bạn muốn quản lý tốt thời gian của mình. Để xác định được yếu tố này, bạn cần hiểu rõ: bạn cần gì và mục tiêu của bạn là gì khi đến với công việc làm thêm đó. Đối với đa số các bạn sinh viên, việc học được xem là ưu tiên hàng đầu. Những việc làm thêm sẽ bổ trợ cho việc học, hướng đến trải nghiệm xã hội, hoàn thiện kỹ năng, và kiếm thêm thu nhập cho các bạn. Nếu có thể, hãy sắp xếp thời gian làm việc dựa theo lịch học của bạn. 

2. Tìm kiếm công việc phù hợp

Các bạn có thể tìm kiếm các công việc chuyên ngành, hay công việc phổ biến đối với sinh viên như: phục vụ, pha chế,... tùy thuộc theo mục đích đi làm thêm. Để có thể cân bằng việc học và làm thêm, những công việc có thời gian linh động sẽ phù hợp với sinh viên vì các bạn có thể lựa chọn lịch làm phù hợp với lịch học và sinh hoạt của mình. Ngoài ra, địa điểm làm việc cũng là một yếu tố cần xem xét: gần nhà, gần trường,... để có thể thuận tiện cho việc đi lại, sắp xếp thời gian hợp lý hơn. 

3. Phương pháp học tập

Đôi lúc, bạn sẽ không thể đủ sức để hài hòa cả hai. Để giảm bớt áp lực cho bạn, nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả, hãy tìm ra phương pháp học tập phù hợp với bạn nhất. Với những công việc phục vụ, bạn hoàn toàn có thể suy nghĩ về các bài tập của mình khi rảnh trong lúc làm việc, hoặc dành thời gian cố định trong tuần để giải quyết các bài tập, chuẩn bị thuyết trình,... Ngoài ra, việc tạo kết nối với bạn bè trong lớp cũng là một cách để các bạn nắm thông tin nhanh hơn, bổ sung tài liệu học tập,... 

4. Sử dụng thời gian hiệu quả

Sắp xếp các công việc, hoạt động trong tuần hiệu quả sẽ giúp bạn không rơi vào trạng thái ngột ngạt vì tồn đọng quá nhiều việc phải làm. Các bạn cần chủ động với những công việc có thể chuẩn bị trước, sẽ hạn chế được tình trạng cạn kiệt “chất xám” lẫn tinh thần. Quản lý thời gian tốt là một kỹ năng cần thiết, hãy lên kế hoạch cho những việc cần làm và sắp xếp timeline hợp lý để thực hiện cũng như nghỉ ngơi.

5. Chăm sóc bản thân

Sẽ không ai có thể hoàn thành tốt mục tiêu, công việc của mình nếu như không có sức khỏe và tinh thần tích cực. Hãy dành thời gian để chăm sóc cho bản thân mình. Tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, bồi bổ sức khỏe của mình và dành thời gian để quan tâm đến gia đình, bạn bè là những cách để bạn có thể lên “dây cót” cho mình. Chăm sóc tốt cho bản thân để giải tỏa những mệt mỏi và stress, giữ vững tinh thần để hoàn thành mục tiêu của mình. 

Cân bằng được việc học và làm thêm sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức thực tế, cơ hội nghề nghiệp mở rộng. Đừng để mục tiêu của bạn bị cản trở bởi chính những điều bản thân đã lựa chọn.

 

Zalo
Hotline
Go Top